Ngày 3-4, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2166/VPCP-CN gửi Bộ KH&ĐT và UBND tỉnh Khánh Hòa về việc trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.
Theo văn bản nói trên, trên cơ sở ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ và tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội và các cơ quan liên quan của Quốc hội.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm chỉ đạo hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án này, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và trình Quốc hội theo đúng quy định.
Liên quan đến dự án nói trên, ngày 2/12/2022, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất chủ trương thực hiện và cam kết phân bố nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm góp phần xóa bỏ tính độc đạo của đường Tỉnh lộ 9 nối Quốc lộ 1 đoạn qua TP Cam Ranh đến trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn thuộc tỉnh Khánh Hòa. Qua đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Đồng thời, dự án cũng hướng đến việc kết nối liên vùng với tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn diện giữa 3 địa phương.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án có tổng chiều dài 56,9 km (29,3 km thuộc huyện Khánh Vĩnh và 27,6 km thuộc huyện Khánh Sơn) nền đường rộng 9 m, 2 làn xe và dự kiến có 17 cầu.
Tổng diện tích chiếm dụng để thực hiện dự án khoảng 128,96 ha. Trong đó, đất nông nghiệp hơn 37 ha, đất ở hơn 7 ha, đất rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác hơn 75 ha và đất khác gần 9 ha. Theo thống kê sơ bộ, có 211 hộ bị ảnh hưởng và số hộ tái định cư khoảng
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1929 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương (1.000 tỷ đồng) và ngân sách địa phương (929 tỷ đồng). Dự kiến tuyến đường sẽ triển khai các thủ tục từ năm 2023, đến quý I/2024 sẽ thi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2027.
VOV tổng hợp.