Ngày đăng: 23/04/2021

Cụ thể, ACIT cho biết đã mua 49% cổ phần của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group).

Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 49% số cổ phần, Trung Nam cũng đã chuyển giao chức vụ giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam cho ông Nguyễn Đăng Khoa - phó tổng giám đốc ACIT.

Theo đại diện Trung Nam, thương vụ này đã được bàn thảo từ trước đó, còn ACIT cho hay từ ngày 1-1-2021, ACIT đã có đầy đủ quyền và nghĩa vụ liên quan đến số cổ phần trên tại dự án.

Hiện cả phía Trung Nam lẫn ACIT không tiết lộ giá trị thương vụ, song Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc được cho là có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng.

Nằm tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, nhà máy này hoàn thành sau gần 12 tháng thi công, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm với hơn 700.000 tấm pin.

Đây là dự án điện mặt trời đầu tiên của Trung Nam tại Ninh Thuận, thời điểm đó dự án này được bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với mức giá cao 9,35 cent/kWh trong vòng 20 năm.

ACIT là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và lắp đặt các thiết bị điện và mới đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo thời gian gần đây, trong đó sở hữu Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn (Ninh Thuận) có tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng, tổng công suất nhà máy là 25,031 MWp.

Thương vụ mua bán này hoàn tất trong bối cảnh nhiều nhà máy năng lượng tại Việt Nam bị cắt giảm công suất phát do thừa điện và quá tải lưới truyền tải.

Vào đầu tháng 2-2021, Trung Nam đã có đơn kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ về việc thường xuyên bị cắt giảm công suất các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc vừa mới bán 49% cổ phần.

Thời điểm đó, Trung Nam đã chỉ ra ngày 31-1-2021 vào lúc 12h45, nhà máy này đã bị cắt giảm hơn phân nửa công suất lắp đặt là 118 MW/204 MW.

Theo doanh nghiệp này, việc thường xuyên cắt giảm công suất làm giảm doanh thu phát điện, phá vỡ phương án tài chính, đồng thời Trung Nam đối mặt với áp lực rất lớn trong việc thanh toán các khoản vay ngân hàng do không đảm bảo nguồn doanh thu từ phát điện.

Do đó, một trong những kiến nghị của doanh nghiệp này là ưu tiên điều độ để khai thác các dự án năng lượng tái tạo của Trung Nam, trong đó có Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc.

Ngoài nhà máy này, tại Ninh Thuận, Trung Nam vẫn đang sở hữu dự án điện mặt trời 450 MW và dự án điện gió công suất hơn 150 MW vừa khánh thành ngày 16-4.

Ngoài đầu tư điện mặt trời, Trung Nam hiện đang "chuyển hướng" sang đầu tư điện gió với mục tiêu mang 900 trụ gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi đến các dự án tại các địa phương như Đắk Lắk, Gia Lai, Trà Vinh, Ninh Thuận…