Ngày đăng: 31/10/2021

Sáng 30-10-2021, một sự kiện hy hữu đã xảy ra là cả 3 trang Facebook Việt ngữ của các đài lớn ở nước ngoài là Đài Á châu Tự Do, VOA Tiếng Việt, BBC News Tiếng Việt đều đồng loạt bị hack đổi tên. Đài Á châu Tự Do bị đổi thành "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm", BBC News Tiếng Việt bị chuyển thành "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại" và VOA Tiếng Việt lại trở thành "Đông Lào Muôn Năm".

VOA sau đó thông báo trên trang Facebook của mình: "Vào khoảng 10 giờ tối ngày 29 tháng 10, giờ miền Đông Hoa Kỳ, trang Facebook của VOA Tiếng Việt bị “hack”, và bị đổi tên thành "Đông Lào Muôn Năm”. VOA Tiếng Việt đang liên lạc Facebook để lấy lại tên cũ, tăng cường bảo mật. Xin cáo lỗi cùng quý độc giả về sự cố này".

Còn trang RFA thì phải thú nhận: “Chào các độc giả của trang Facebook Đài Á châu Tự Do. Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 30-10 (giờ Việt Nam),trang facebook của đài đã bị đổi tên thành "Đảng Cộng Sản Việt Nam Muôn Năm". Hiện nay, đài đang tiến hành việc đổi lại tên cũ, tăng cường bảo mật và liên hệ với Facebook để giải quyết sự việc này. Chân thành xin lỗi các bạn độc giả vì sự cố đáng tiếc này”.

Fanpage BBC News Tiếng Việt cũng phải muối mặt: “Vào khoảng 9:30 sáng giờ Việt Nam ngày 30/10/2021 trang Facebook của BBC News Tiếng Việt đã gặp sự cố. Có vẻ như đã có hành động xâm nhập trái phép và đổi tên BBC News Tiếng Việt thành “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Hiện bộ phận chuyên trách của BBC và Facebook đang điều tra nguyên nhân...”.

Phải mất vài giờ sau, các trang này mới lấy lại được tên như cũ và “phối hợp với Facebook để khắc phục sự việc”.

Sự việc này đã tạo nên một câu chuyện thú vị về phản ứng của cộng đồng mạng đối với những trang chuyên chống phá Việt Nam, cũng như thái độ của cộng đồng mạng đối với sự kiện, về vấn đề bảo mật và an ninh mạng của các trang này… Trong khi các trang này hay rêu rao rằng Chính phủ Việt Nam sử dụng Luật An ninh mạng để hạn chế quyền tự do tiếp cận internet ở Việt Nam thì chính họ phải đối mặt với một sự cố về an ninh mạng nhớ đời!

Như chính RFA đã thừa nhận, đây là 3 cơ quan truyền thông nước ngoài phát bằng tiếng Việt luôn tỏ ra thiếu thiện chí đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam, tình hình Việt Nam, thường xuyên có những bài viết sai sự thật, xuyên tạc, tạo sự chia rẽ người dân trong nước, gây mơ hồ và hiểu sai về đất nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, kích động tâm lý phản đối Đảng và Nhà nước Việt Nam, bẻ cong lịch sử và có nhiều thông tin lệch lạc, sai trái khác.

Trong số 3 cơ quan bị hack nick, RFA là trang tỏ ra “cay cú” hơn cả. Họ có nhiều status hơn các đài khác về vụ việc này và ngoài việc cố gắng “gán ghép” vụ việc “ba cộng tác viên, blogger đang bị cầm tù”, đồng thời đưa một câu được cho là ý kiến của bạn đọc tỏ ra rất ngờ nghệch như trên, đã tiếp tục “gỡ gạc”: “Sự việc xảy ra sau khi chúng tôi thông tin về việc hai quan chức hàng đầu của Việt Nam là Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đang bị đưa vào chiến dịch vận động áp dụng Đạo luật Nhân quyền Matgnisky do 10 tổ chức xúc tiến. Đây là hai quan chức Việt Nam bị cáo buộc có những vi phạm nghiêm trọng đối với những người lên tiếng cho nhân quyền trong nước”. Tức là họ “không cam tâm” và cố gắng lái nhận thức của người đọc về một tình huống có vẻ như là sự “trả đũa” về các thông tin về chính quyền Việt Nam mà hoàn toàn không có bằng chứng nào hết! Trong khi đó, vụ việc về “hai quan chức hàng đầu của Việt Nam” nêu trên thực ra cũng chỉ là một trò hề không hơn không kém!

Buồn cười hơn, với câu “Một độc giả trên Facebook của đài RFA bình luận: Hacker giỏi thế hack giúp tiền hỗ trợ Covid cho người dân đi, chờ từ năm ngoái đến giờ” có thể cho là sự ngờ nghệch của “độc giả” đó thì thực ra lại thể hiện sự “khờ khạo” của người viết status của RFA. Bởi một mặt “đề cao” năng lực hack nick của ai đó mà lại cố gắng “kéo” vụ việc này với hành vi “hack giúp tiền” thì khác nào cổ xúy cho việc đi cướp tiền của người khác? Ở đâu có sẵn tiền để họ kích động việc xâm nhập trái phép mà lấy? Ở đâu có thể cho phép người khác đột nhập tài khoản để lấy tiền dù với bất kỳ mục đích gì?...

Trên mạng xã hội, rất nhiều tỏ ra vui vẻ với sự việc này, bởi tâm lý nhiều người thấy “đáng đời”, “cho chừa” với những hành vi “gắp lửa bỏ tay người”, “đâm bị thóc thọc bị gạo”, “dựng chuyện”… của các trang và đài này. Không chỉ vậy, ngay trên các trang này, cũng có nhiều bình luận mai mỉa, giễu cợt các nhà đài trở thành “khổ chủ”, như trên BBC có một số “còm” đáng chú ý: “Lần này chúng tôi chỉ cảnh cáo bạn thôi nha. Lần sau mà còn xuyên tạc lịch sử nữa là không khéo thành page livestream bán quần áo đấy nha. Thân!”; “Lý tưởng cộng sản luôn soi sáng dẫn đường cho cuộc sống tươi đẹp. Chúc mừng BBC News Tiếng Việt đã sớm giác ngộ”; “Đừng lo nha, ko phải 1 mình BBC bị đổi tên đâu nhé, haha!”, “BBC năm nay chơi Halloween lớn quá, đổi cái tên đáng sợ nhất luôn còn gì!”; “Mình chắc chắn là do nước khác làm đó admin. Chứ Việt Nam làm gì có internet mà làm như vậy!”…

Chúng ta không ủng hộ hành vi tấn công mạng một cách sai trái; chúng ta cũng không đồng tình với những cách ứng xử sai trái về mặt pháp luật và thiếu văn minh trên không gian mạng; chúng ta cũng không khuyến khích các hành động đột nhập tài khoản vào các trang này hay bất kỳ trang nào… Nhưng vụ việc trên cho thấy, các cách đưa thông tin sai trái, phiến diện, lệch lạc, thành kiến của các trang này đã gây sự bức xúc của cộng đồng mạng. Trong rất nhiều trường hợp, các trang này đã cắt xén thông tin, diễn giải sai thực tế, bóp méo sự thật…, hòng tạo ra nhận thức không đúng về tình hình đất nước, nhất là trong thời gian cả nước gồng mình chống dịch. Trong lúc người dân rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, những lời kêu cứu được bình luận trên các trang này gần như không bao giờ được đếm xỉa tới thì họ luôn tìm cách “chọc ngoáy” vào công tác chống dịch ở trong nước, nhất là luôn chực chờ nhảy xổ vào như đám kền kền với các thiếu sót của cán bộ thừa hành.

Qua vụ việc đó cho thấy, vấn đề an toàn trên không gian mạng thực sự là rất quan trọng, rất cần thiết, phải được thực hiện bằng cả các yếu tố kỹ thuật, pháp luật và tuyên truyền, vận động. Nên thời gian qua, hệ thống chính trị trong nước đã nỗ lực tăng cường an ninh mạng, là góp phần bảo đảm lợi ích cho người dân, cho xã hội, cho đất nước, chứ không phải như một số báo đài hay tổ chức nước ngoài rêu rao về cái mà họ gọi là hạn chế quyền tự do sử dụng internet ở Việt Nam.

Và, cộng đồng mạng hẳn thừa hiểu đâu là sự thật, chứ chẳng cần phải gán ghép với việc thông tin về các trường hợp về cái mà các nhà đài gọi là “bắt giữ nhà hoạt động dân chủ”, “xử tù nhà báo”, “trừng phạt blogger, facebooker”… với việc bị hack nick để tự đề cao mình một cách buồn cười như RFA đã làm!

Hy vọng qua vụ việc này, RFA và các trang chống phá kia thực sự chừa cái “thói” của mình!

NGŨ YÊN - Theo Cờ Đỏ Tp. Hồ Chí Minh