Ngày 17/4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Cùng với đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị đầu tư nhiều tuyến mới như: TP HCM - Cần Thơ; Biên Hòa - Vũng Tàu; Cái Mép - Thị Vải; Thủ Thiêm - Long Thành; Hà Nội - Hải Phòng kết nối với cảng Lạch Huyện; tuyến nối ray ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc, kết nối với Trung Quốc và một số nước; Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Bộ Giao thông Vận tải bàn giao hồ sơ dự án đường sắt đô thị số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi cho UBND TP Hà Nội để nghiên cứu đầu tư. Bộ cũng phối hợp với Hà Nội xác định lộ trình đầu tư khu tổ hợp Ngọc Hồi, tuyến đường sắt vành đai phía Đông, thống nhất thời điểm bàn giao các đoạn đường sắt quốc gia cho thành phố đầu tư.
Nhà nước ưu tiên nguồn lực phát triển, nâng cấp, bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia. Giai đoạn 2021-2025, nhà nước bố trí gần 16.000 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho đường sắt; giai đoạn 2026-2030 sẽ cần 224.000 tỷ đồng gồm đầu tư công, vốn hợp pháp khác.
Theo kế hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất xây đường sắt đến năm 2050 dự kiến là 25.800 ha.