Ngày đăng: 26/04/2021

Ấn Độ đã mất cảnh giác và bắt đầu tự hào về thành công trong việc kiểm soát số ca mắc bệnh và tỷ lệ tử vong thấp so với nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ đang ngày càng trở nên tồi tệ. Vậy Ấn Độ đã vấp phải những sai lầm nào?

SAI LẦM KHIẾN ẤN ĐỘ THẤT THỦ TRƯỚC COVID-19

Đầu tiên, chính phủ Ấn Độ đã không chuẩn bị cho khả năng dịch Covid-19 bùng phát trở lại, điều đã từng xảy ra ở những quốc gia khác trên thế giới.

Mặc dù Ấn Độ đã triển khai một đợt tiêm chủng quốc gia, nhưng việc tăng cường khả năng cho các bệnh viện trong việc xử lý sự gia tăng đột ngột của các ca mắc bệnh và nhập viện là rất ít. Điều này khiến nhiều bệnh viện trên toàn quốc rơi vào tình trạng chật vật trong việc đáp ứng nhu cầu oxy ngày càng tăng của bệnh nhân.

Thứ hai, ngay cả khi virus SARS-CoV-2 lây lan ngày càng rộng, các cuộc vận động bầu cử cấp bang ở 5 bang vẫn được tổ chức với rất đông người tham dự.

Thứ ba, làn sóng Covid-19 thứ hai tại Ấn Độ được thúc đẩy bởi một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới, Kumbh Mela, được tổ chức tại thành phố Haridwar. Đây được cho là một sự kiện “siêu lây nhiễm” SARS-CoV-2.

Từ ngày 10-14/4, hơn 2.000 người tham gia lễ hội Kumbh Mela đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Vào ngày 17/4, thời điểm lễ hội Kumbh Mela đã diễn ra được hơn 2 tuần, giới chức Ấn Độ mới kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo tổ chức một kỳ lễ hội mang tính biểu tượng nhiều hơn, yêu cầu dân chúng không xuống tắm sông, và tôn trọng các quy tắc an toàn.

Cuối cùng, vào tuần trước, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã quyết định giảm bớt các sự kiện trong lễ hội.

Sai lầm cuối cùng khiến Ấn Độ thất thủ trước đại dịch Covid-19 là việc triển khai vaccine. Trong khi gần 10% dân số Ấn Độ đã được tiêm liều vaccine đầu tiên, nhiều trung tâm phân phối vaccine trong những tuần gần đây đã thiếu nguồn cung.

Đây là kết quả của việc Ấn Độ ưu tiên các sáng kiến ​​ngoại giao vaccine hơn là tiêm chủng cho người dân của mình. Theo Indian Express, vào cuối tháng 3, số vaccine Ấn Độ xuất khẩu (60 triệu liều vaccine đến 76 quốc gia) nhiều hơn so với lượng vaccine tiêm chủng cho người dân (52 triệu liều)./.

Theo ZING