UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong bảy năm tới dự kiến tỉnh này sẽ có 12 đô thị, gồm một đô thị loại II, bốn đô thị loại IV và bảy đô thị loại V.
Tỉnh dự kiến chi 70.500 tỉ đầu tư hạ tầng
Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận có 12 đô thị với diện tích sàn bình quân 33,4 m2/người. Dự kiến tỉnh sẽ chi hơn 70.500 tỉ đồng để ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật kết nối hệ thống đô thị.
Trong bảy năm tới, tỉnh này định hướng tỉ lệ đô thị hóa khoảng 55%-56%. Lúc đó, toàn tỉnh sẽ có 12 đô thị, trong đó bổ sung ba đô thị loại V là Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn),Vĩnh Hy (huyện Ninh Hải) và Sơn Hải (huyện Thuận Nam). Đồng thời, nâng đô thị Cà Ná và Phước Nam từ loại V lên loại IV. TP Phan Rang - Tháp Chàm cơ bản hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Ngoài ra, đô thị Tân Sơn (huyện Ninh Sơn) và đô thị Phước Dân (huyện Ninh Phước) được nâng từ loại V lên loại IV. Bổ sung năm đô thị loại V là Lợi Hải (huyện Thuận Bắc),Phước Đại (huyện Bác Ái),Phước Nam, Cà Ná (huyện Thuận Nam) và Thanh Hải (huyện Ninh Hải).
Tại quyết định phê duyệt điều chỉnh, UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin giai đoạn 2021- 2025 tỉnh sẽ đầu tư hơn 9.380 tỉ đồng cho các dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn năm năm. Cụ thể gồm các dự án giao thông như đường nối cao tốc Bắc - Nam với đường liên vùng các tỉnh Nam Trung Bộ, đường nối huyện Ninh Sơn đi huyện Đức Trọng (Lâm Đồng),hạ tầng cảng biển tổng hợp Cà Ná và hệ thống giao thông kết nối cảng với đường liên vùng lên Nam Tây Nguyên.
Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, quyết định điều chỉnh nêu trên sẽ là cơ sở pháp lý cho các cơ quan, ban ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị và nông thôn, kết cấu hạ tầng đảm bảo liên kết, thống nhất với quy hoạch của tỉnh, các quy hoạch ngành.
“Bên cạnh đó còn đảm bảo an sinh xã hội gắn với bảo tồn lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đồng thời, đây cũng là cơ sở xác định bổ sung các đô thị mới, lập quy hoạch xây dựng đô thị, lập đề án và đánh giá nâng loại đô thị, xây dựng kế hoạch huy động vốn đầu tư phát triển đô thị” - tỉnh Ninh Thuận đánh giá.
Điều chỉnh tỉ lệ đô thị hóa theo từng giai đoạn
Được biết Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận trước đó đã có sự điều chỉnh tùy vào tình hình phát triển của địa phương này.
Cụ thể, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 xác định tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 là 46%. Tuy nhiên, tỉnh Ninh Thuận cho biết khi triển khai thực hiện nâng loại đô thị, các đô thị không đảm bảo đạt theo tiến độ được duyệt.
Lý do được đưa ra là các địa phương khó đáp ứng các quy định đạt chuẩn nâng loại đô thị theo Nghị quyết 26/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm 2020, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận cũng xác định phát triển một số đô thị mới như Vĩnh Hy, Thanh Hải thuộc huyện Ninh Hải; Phước Nam, Cà Ná thuộc huyện Thuận Nam. Đồng thời, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có điều chỉnh hệ thống đô thị để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định.
Do đó, tỉnh Ninh Thuận cho rằng việc điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 tỉ lệ đô thị hóa được điều chỉnh xuống là 45% và đến năm 2030 sẽ tăng lên 55%-56%.
VOV tổng hợp.