Cách đây gần 1 tháng, chỉ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán hơn 1 tuần lễ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành tổ chức Hội nghị công bố Đề án Phát triển Du lịch Ninh Thuận 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu quan trọng trong đề án này là đưa ngành du lịch của Ninh Thuận thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trụ cột, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành nghề, lĩnh vực khác.
Đây là một mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề đến ngành du lịch toàn cầu cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, với tầm nhìn dài hạn, các chiến lược và kế hoạch đưa ra là hoàn toàn khả thi trong tổng thể tiềm năng tài nguyên thiên nhiên - văn hóa, vị trí địa lý trung tâm trong tam giác Nha Trang – Đà Lạt – Phan Thiết của Ninh Thuận. Trong ngắn hạn, sự chuẩn bị này là cực kỳ cần thiết khi ngày mở cửa bầu trời và du lịch đang tới gần.
Sân Bay Thành Sơn chính thức được Thủ Tướng đồng ý quy hoạch Sân Bay Dân Dụng (Lưỡng dụng)
Ngày 17/04/2022. Thủ Tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Tỉnh Ủy tỉnh Ninh Thuận. Sau khi tiếp nhận báo cáo hoạt động chung năm 2021 và lấy ý kiến đề xuất các chương trình trọng điểm phát triển kinh tế giai đoạn đến năm 2030. Thủ Tướng đã đồng ý với Tỉnh phương án quy hoạch Sân Bay Thành Sơn, hiện là Sân Bay Quân Đội lớn nhất cả Nước được quy hoạch thêm Cảng Hàng Không Dân Dụng và trở thành Sân Bay Lưỡng Dụng.
Sân bay được quy hoạch sẽ là tiền đề thúc đẩy cho các hoạt động Du lịch, văn hóa, giao thương, Kinh Tế...của Tỉnh có bước tiến ngày một tốt hơn. Với tiềm năng sẵn có về các thế mạnh tài nguyên thiên nhiên, thuận tiện giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy và thêm đường Hàng Không. Ninh Thuận sẽ là điểm đến đầu tư tốt nhất hiện nay.
Chính quyền nhạy bén "trải thảm"
Vào thời điểm những năm 2015-2017, không ít nhà đầu tư vừa và nhỏ ngạc nhiên chứng kiến nhiều doanh nghiệp lớn như FLC, Vingroup, Hacom Holdings, Crystal Bay... liên tục đầu tư mạnh vào đất nội đô, đất ven biển tại Ninh Thuận. Những đợt đổ bộ sau đó của hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản du lịch đã nhanh chóng tạo ra cơn sốt đất ở Ninh Thuận. Thậm chí, theo ghi nhận của giới đầu tư, giá nhà đất đã tăng nóng tới 4 lần tại Khu Đô thị mới Đông Bắc (Khu K1).
Sự hấp dẫn của bất động sản ở Ninh Thuận đến từ nhiều lý do.
Ninh Thuận nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược: Đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 1 và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chỉ cách sân bay Cam Ranh 1 giờ đồng hồ di chuyển. Ninh Thuận ở vị trí trung tâm của Tam giác du lịch Nam Trung Bộ, cách Đà Lạt 110 km, Nha Trang 100km, Phan Thiết 130 km. Về lâu dài, khi tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam (cung đường TP HCM đi Nha Trang) hoàn thành sẽ giúp Ninh Thuận kết nối tốt hơn tới các trung tâm du lịch phía Nam và Nam Trung Bộ.
Địa phương này sở hữu những ưu thế vượt trội từ thiên nhiên, khí hậu nhiệt đới đặc trưng với nhiều nắng gió cùng nhiều loại địa hình đặc biệt từ núi, biển tới cồn cát dài "tiểu Tây Á", sở hữu cung đường ven biển dài hơn 106km, được cho là một vị trí độc tôn ít nơi đâu có được.
Hấp dẫn là thế nhưng suốt một thời gian dài những lợi thế độc tôn của địa phương này vẫn chỉ ở dạng tiềm năng và được khai thác rất hạn chế.
Từ năm 2015, các lãnh đạo Ninh Thuận đã bắt đầu công cuộc đưa ngành du lịch phát triển đột phá khi thiết kế quy hoạch kinh tế xã hội của địa phương.
Việc làm đầu tiên là quy hoạch các vùng du lịch: Khu du lịch Ninh Chữ (mở rộng đến Bình Tiên về hướng Bắc và Mũi Dinh - Cà Ná về hướng Nam),khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Đầm Nại, vườn quốc gia Phước Bình và Núi Chúa, khu du lịch Mũi Dinh, khu du lịch sinh thái bảo tồn rùa biển Thái An, khu du lịch sinh thái thác Chapơr...
Trả lời báo chí thời điểm đó, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận từng đưa ra nhận định: "Muốn thu hút khách du lịch, nhất là khách đến từ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu trong đó là lượng khách lớn đến từ Nga... phải có cơ sở nghỉ dưỡng hiện đại cùng với những dịch vụ tương xứng mới giữ chân được khách".
Từ chủ trương của vị lãnh đạo cấp cao nhất, Ninh Thuận đã nhanh chóng thu hút sự chú ý rất lớn từ các nhà đầu tư lớn. Hàng loạt các cơ chế ưu đãi được đưa ra. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Ninh Thuận sẽ được áp dụng chính sách đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung của Nhà nước đối với cấp đất và thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, Quyết định số 25/2018 của UBND tỉnh về ban hành Quy định cơ chế thu hút phát triển du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã mở ra nhiều cơ hội mới tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch, thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch dải ven biển từ Bình Tiên đến Mũi Dinh có quy mô tầm cỡ quốc gia và khu vực.
Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với đóng góp khoảng 15% GRDP; trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm ưu tiên của khách quốc tế tới Việt Nam và là điểm du lịch khám phá sáng tạo hấp dẫn của khách du lịch nội địa.
Đại gia nhanh chân xuống tiền
Từ "điểm mờ" trên bản đồ thu hút đầu tư du lịch, Ninh Thuận giờ đây đã trở thành ngôi sao đang lên ở khu vực Nam Trung Bộ. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào du lịch, Ninh Thuận đang ngày càng phát triển và trở thành điểm liên kết vùng không thể thiếu của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Sự hấp dẫn của Ninh Thuận cùng với ưu đãi đầu tư từ chính quyền địa phương đã nhanh chóng thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp tìm đến đầu tư. Với lượng khách đến ngày một đông hơn, quỹ đất tại Ninh Thuận cũng sẽ ngày một tăng lên. Khi tam giác du lịch Đà Lạt - Nha Trang - Phan Thiết đang có sự giảm sút về quỹ đất, Ninh Thuận sẽ là lựa chọn cực kỳ hấp dẫn.
Sự thành công của Dự án Khu Đô thị mới Đông Bắc K1 phần nào chứng minh sức hấp dẫn của bất động sản Ninh Thuận. Dự án này nằm ở trung tâm Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Sau khi hoàn thành vào quý II/2021, khu K1 đón khoảng 10.000 cư dân vào sinh sống. Những ngày đầu chủ đầu tư mở bán chỉ khoảng 10-16 triệu đồng/m2 và con số được ghi nhận hiện nay đã tăng gấp 4.
Khu K1 được cho là dự án quan trọng, đánh dấu cho sự phát triển hạ tầng đô thị trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận. Sau thành công của Khu K1, Hacom Holdings - đơn vị đầu tư dự án đang tiếp tục đầu tư Dự án Bình sơn Ocean Park Ninh Thuận (Khu K2). Khu K2 được quy hoạch trên tổng diện tích đất gần 52 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng. Dự án này nằm ở vị trí gần trung tâm thành phố, vừa ôm trọn bãi biển Ninh Chữ, được dự báo sẽ tiếp tục làm nóng thị trường địa ốc của Ninh Thuận hiện tại.
Bên cạnh các dự án bất động sản khu đô thị, Ninh Thuận đã thu hút và cũng phát triển thành công nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô khủng. Chẳng hạn, Sailing Bay Ninh Chữ khởi công tháng 12/2021 với tổng vốn đầu tư 4.779 tỷ đồng, hay Paradan Mũi Dinh vừa khởi công tháng 2/2022 với tổng vốn đầu tư khủng 1 tỷ đô...
Địa phương này đang hướng tới phát triển, xây dưng các khu du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp cao, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt nhất, có tính cạnh tranh cao; tăng cường liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia và các địa phương trong khu vực.
Một số dự án đáng chú ý như Khu du lịch khám phá Nam Cương rộng hơn 45 ha vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng; Công viên nước và khu du lịch sa mạc cao cấp rộng khoảng 20 ha tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và Khu du lịch Vang Nho 10 ha hơn 1.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, Ninh Thuận sẽ triển khai dự án khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang - Trại Mát và du lịch đường sắt Ninh Thuận - Lâm Đồng hơn 200.000 tỷ đồng và dự án xây dựng bến du thuyền Ninh Chữ 10.000 tỷ đồng...
Hàng loạt dự án đang được triển khai đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu Đề án phát triển du lịch mà Ninh Thuận vừa đề ra, đó là đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 455.000 lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 900.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng.
Theo CafeBiz