Bất động sản đang kỳ vọng vào xu hướng mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam và việc hưởng lợi từ các gói kích thích kinh tế mới của Chính phủ. Tuy nhiên, thị trường có thực sự bùng nổ vào năm 2022 như nhiều dự báo hay không còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Câu chuyện lạm phát hiện đang được nhắc đến trong bối cảnh bối cảnh Chính phủ triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế bằng việc xem xét nới lỏng các chính sách tài khóa, tiền tệ. Dự kiến, Quốc hội sẽ quyết định gói phục hồi kinh tế vào kỳ họp cuối năm nay.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang dần phục hồi khi việc tiêm vắc xin đang được phủ rộng.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, các nền kinh tế lớn trên thế giới đang dần phục hồi khi việc tiêm vắc xin đang được phủ rộng.
Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng gia tăng. Các nước phát triển đang có mức lạm phát cao lịch sử. Do đó, áp lực lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới là rất lớn.
Nếu lạm phát tăng cao vào năm sau, áp lực tăng giá bất động sản cũng sẽ rất lớn. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, từ quý II/2022 trở đi, khi kinh tế hồi phục trở lại, Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em thì bất động sản sẽ càng có đà tăng giá. Trong khi đó, cầu tăng mà nguồn cung chưa phục hồi thì việc tăng giá là điều hiển nhiên.
Thực tế, kể từ khi thị trường bất động sản dần tan băng vào năm 2014 đã chứng kiến chu kỳ tăng giá liên tục trong giai đoạn 2016 - 2019. Đến nay, tại nhiều khu vực, giá bất động sản đã ghi nhận tăng mạnh. Đáng chú ý, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh, giá nhà vẫn leo cao, nằm ngoài dự đoán và kỳ vọng của đại đa số người dân.
Trước bối cảnh lạm phát, không ít người đang lên kế hoạch để đón đầu cơ hội cũng như bảo toàn dòng tiền.
Chị Xuân (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị từ trước đến nay chưa từng đầu tư bất động sản dù tài chính dư dả. Tuy nhiên, khoảng một tháng trở lại đây, hai vợ chồng chị bắt đầu quan tâm đến kênh đầu tư này do nhìn thấy cơ hội, một phần cũng lo ngại sắp tới tiền sẽ bị mất giá.
"Gia đình tôi sau khi bàn bạc kỹ đã quyết định rút hết tiền tiết kiệm để mua một mảnh đất ở khu vực ngoại thành do một người quen giới thiệu. Lạm phát cao cũng là cơ hội cho những người sáng suốt, nên vợ chồng tôi quyết định liều một phen. Mua đất không sợ mất giá, biết đâu vài năm sau còn tăng giá gấp đôi, gấp ba", chị Xuân nói.
Liên quan đến vấn đề này, tại Talkshow "Chuyển động dòng tiền trên thị trường bất động sản" do CafeLand tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định và lời khuyên cho các nhà đầu tư.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, gói hỗ trợ 800.000 tỷ đồng đang là đề xuất của một số chuyên gia. Việc này Chính phủ đang cân nhắc và xem xét, nếu gây lạm phát cao thì có thể sẽ giảm bớt quy mô xuống.
Vị này cho biết thêm, kinh nghiệm điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ những năm gần đây khá tốt nên không cần quá lo lắng về vấn đề lạm phát mà đánh mất thời cơ.
"Không thể vì lo lạm phát mà không cứu doanh nghiệp, điều này rất nguy hiểm. Theo dự báo của tôi, khả năng lạm phát gây ra những bất ổn trong thời gian tới là không dễ. Tôi cho rằng, nếu lượng tiền được bơm ra, tác động đến thị trường bất động sản cũng sẽ rất mạnh. Tuy nhiên, thị trường còn phụ thuộc vào việc tháo gỡ các nút thắt về thủ tục pháp lý", PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định.
Về việc có nên đầu tư ngay từ bây giờ để đón đầu xu hướng tăng giá hay không, vị này cho rằng, đây là nghệ thuật cá nhân. "Tất nhiên, những lúc tất cả mọi thứ bùng dậy như hiện nay thì rủi ro cũng rất lớn. Điều này phục thuộc vào khả năng ra quyết định của các nhà đầu tư", ông Thiên nói.
Còn theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, khi lạm phát xảy ra, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ neo vào vàng, dầu và bất động sản. Giả sử, nếu bây giờ mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, lạm phát xảy ra thì giá sẽ tăng lên 1,2 – 1,5 tỷ đồng.
Vị chuyên gia này khuyến nghị, nếu nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính thì việc xuống tiền ngay từ bây giờ là hợp lý. Nhưng nếu có 1 tỷ mà đi vay hết 700 triệu thì khi lạm phát xảy ra, lãi suất sẽ rất cao và khả năng chi trả của người mua sẽ bị hạn chế.
"Lạm phát càng cao càng nên đầu tư vào bất động sản hay các kênh bảo toàn được giá trị. Còn nếu đi vay thì nên cân nhắc. Các nhà đầu tư không nên quá lo lắng về lạm phát, thay vào đó đầu tư càng sớm càng tốt để giữ được đồng tiền không bị mất giá", ông Khương nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Savills, các nhà đầu tư cần lưu ý bởi bối cảnh hiện nay rất khác ngày xưa, để kỳ vọng tỷ suất sinh lời nhanh là không dễ. Không phải cứ đầu tư năm nay là năm sau kiếm được 40 – 50%,...
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết