Khi du khách đặt chân đến vùng đất nắng Phan Rang, khi nhắc đến đồng bào Chăm Ninh Thuận đa phần mọi người chỉ biết đến người Chăm theo Bàlamôn giáo qua các di tích tháp Chăm sừng sững thách thức thời gian và 2 làng nghề truyền thống Gốm Bàu Trúc và Dệt Mỹ Nghiệp. Văn hóa Chăm vẫn còn nhiều điều bí ẩn đang đợi bạn khám, bài viết này sẽ giới thiệu một lễ hội độc đáo khác “LỄ HỘI RAMƯWAN” một nét văn hóa rất riêng của Chăm Bàni Ninh Thuận.
1. Thời gian diễn ra Lễ Hội Ramưwan 2023 của đồng bào Chăm Bà Ni Ninh Thuận
– Chủ nhật ngày 19/03/2023 Nao Ghur Garay Naih (Nghĩa Trang Xa Làng )
– Thứ hai ngày 20/3/2023 Nao Ghur Nduk ( Nghĩa Trang Cà Đú )
– Thứ ba ngày 21/3/2023 Nao Ghur Palei Drei (nghĩa trang trong làng và cúng tổ gia tiên dòng họ tại nhà)
– Thứ tư ngày 22/3/2023 cúng tổ gia tiên dòng họ tại nhà
– Thứ năm ngày 23/3/2023 các vị chức sắc vào chùa làm lễ cầu kinh và chay tịnh trong suốt một tháng
2. Đôi nét về tôn giáo của đồng bào Chăm tại Ninh Thuận
Người Chăm tại tỉnh Ninh Thuận theo 03 tôn giáo chính, trong đó có Chăm Ahier (người Chăm theo đạo Bàlamôn),Chăm Awal (người Chăm theo Hồi giáo Bàni) và Cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Islam.
Các làng Chăm mang sắc thái đặc trưng riêng nhưng có quan hệ rất mật thiết với nhau trong các dịp lễ hội. Trong đó, Lễ Hội Kate là lễ hội dành riêng cho người Chăm Bàlamôn, người Chăm Bàni và Islam có Lễ hội Ramưwan.
Lễ hội Ramưwan mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni (Hồi giáo đã bản địa hóa) sống trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; có nhiều hoạt động với ý nghĩa báo công, báo hiếu về đạo lý, cội nguồn của những người còn sống đối với người đã khuất.
Đây cũng là dịp để con cháu, những người còn sống nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho xóm làng được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc, một năm mùa màng tươi tốt.
3. Nguồn gốc của Lễ hội Ramưwan: ramưwan là gì?
Từ Ramưwan trong tiếng Chăm có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập “Ramadan” – có nghĩa là tháng 9 theo lịch âm của người Hồi giáo. Người Chăm đọc trại đi thành Ramưwan còn dân gian quen gọi là “Tết Chăm Bàni”. Đây không chỉ là tháng chay niệm của người Chăm Awal (người Chăm Bàni) mà là của cả cộng đồng Hồi giáo trên thế giới. Nhưng cũng như các lễ tục khác, lễ Ramưwan của người Chăm Bàni (Hồi giáo đã bản địa hóa) ở Ninh Thuận có những sắc thái riêng.
Khác với lễ Ramadan của cộng đồng Hồi giáo thế giới, trước khi vào chùa làm lễ chay niệm chính thức, người Chăm Bà ni tổ chức lễ tảo mộ, cúng gia tiên. Vì vậy, lễ hội Ramưwan của người Chăm Bà ni gồm có 3 phần: lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lễ chay niệm tại thánh đường. Lễ tảo mộ là lễ khởi đầu tháng lễ Ramưwan, diễn ra vào cuối tháng 8 Hồi lịch. Tất cả các tộc họ ở các làng Chăm Bàni đều đi tảo mộ. Vào ngày 1/9 Hồi lịch, bắt đầu lễ chay niệm trong chùa (thánh đường).
Một điểm khác nữa với lễ Ramadan của cộng đồng những người theo Hồi giáo Islam, lễ Ramưwan của người Chăm Bàni mang nhiều sắc thái văn hóa Chăm, đó là sự kết hợp với những nghi lễ bản địa như lễ cúng gia tiên, cúng dâng gạo, cúng nữ thần và những năm sau này còn xuất hiện các loại hình văn nghệ, thể thao trong phần “hội” rất nhộn nhịp, vui vẻ.
Cũng như người Chăm Bàlamôn, trước lễ Ramưwan, người Chăm Bàni làm nhiều bánh trái và món ăn truyền thống để mời khách khứa. Với truyền thống hiếu khách, người Chăm đón tiếp anh em bè bạn, đồng nghiệp, bà con gần xa đến “chúc tết” rất chu đáo và niềm nở. Càng đông khách đến “chúc”, bà con càng phấn khởi và coi đó là niềm tin vào một năm mới mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi, gia đình bình yên, khỏe mạnh, hạnh phúc, con cháu học giỏi và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
4. Những nghi thức chính trong lễ hội Ramưwan của đồng bào Chăm Bàni
Đặc sắc lễ tảo mộ trong nghi thức lễ hội Ramưwan
Lễ tảo mộ là phần quan trọng và đặc sắc nhất của lễ hội Ramưwan. Lễ tảo mộ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu vào những ngày cuối của tháng cũ và kết thúc vào ngày đầu tiên của Tết Ramưwan.
Nghĩa địa của người Chăm Bàni thường ở nơi có địa hình cao ráo và sạch sẽ. Trong dịp tết Ramưwan, tất cả các tộc họ ở các làng Chăm Bàni đều đi đến nghĩa địa để tảo mộ. Từ sáng sớm, các vị chức sắc mặc áo dài trắng có viền đỏ quấn khăn, đầu bịt khăn trắng có tua đỏ, mang theo hộp đồng có trầu cau têm sẵn, thuốc lá, nước thánh, trầm hương đến nghĩa địa để làm lễ vật cúng tế.
Các thành viên trong gia đình từ các cháu thiếu nhi đến người trưởng thành và người già trong gia đình mặc trang phục truyền thống đẹp và mới nhất đi tảo mộ. Lễ vật trong lễ tảo mộ khá đơn giản, gồm: trầu cau, thuốc, nước uống và nước thánh.
Từng tộc họ đến nghĩa địa để làm cỏ, vun đất phần mộ cho sạch đẹp. Mộ của người Chăm Bàni là những hòn đá tròn xếp thành những hàng dài rất đều đặn. Tất cả được chôn có khoảng cách đều nhau và theo hướng bắc – nam. Hướng bắc là vị trí của đầu, hướng nam là vị trí của chân. Các mộ liền nhau, thậm chí chôn chồng lên nhau nên còn được coi là mộ chôn chung.
Khi vào lễ, các vị chức sắc làm lễ tẩy uế phần mộ và mời tổ tiên về dự lễ. Tiếp theo là đọc kinh cầu nguyện cùng với mọi người, làm dấu ấn thánh khấn vái ông bà tổ tiên phù hộ cho xóm làng và những người còn sống được yên bình hạnh phúc. Sau đó, lấy trầu cau têm sẵn nhét xuống từng ngôi mộ. Tiếp đó, mỗi người sẽ chắp tay giơ cao vái lạy sát đất 3 lần sau khi hoàn tất phần lễ. Sau phần lễ, bên các phần mộ, các gia đình ngồi nói chuyện cùng nhau. Nhiều người còn khóc vì vẫn còn thương nhớ người đã khuất.
Lễ tảo mộ là một phong tục rất quan trọng, một phần thuộc về tôn giáo, phần còn lại thuộc về tín ngưỡng dân gian. Đó là sự tưởng niệm, biết ơn tổ tiên và dòng tộc cũng như tâm linh của mọi người trong cộng đồng, không phân biệt đẳng cấp, tầng lớp, tất cả đều vì tổ tiên và ông bà
Lễ cúng gia tiên trang trọng tại gia đình
Sau lễ tảo mộ, người dân sẽ về nhà làm lễ cúng gia tiên. Nhà nào cũng làm lễ cúng bằng mâm mặn và mâm ngọt. Con trai đi lấy vợ cũng mang lễ vật về nhà cúng vào dịp này. Khi mâm cúng được bày biện xong, thầy Char tụng kinh và cúng cho từng người trong gia đình, mỗi người cúng khoảng 10 phút. Sau phần cúng lễ, người Chăm Bàni tổ chức ăn uống tập trung tại các gia đình anh em họ hàng.
Sau phần lễ là phần hội. Tại các làng Chăm Bàni ở Ninh Thuận diễn ra nhiều hoạt động giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao giữa thanh niên của các làng. Các vị chức sắc tôn giáo nêu gương sáng trong tinh thần hòa hợp đạo giáo, vận động tín đồ đoàn kết, đùm bọc giúp nhau làm ăn.
Với truyền thống hiếu khách, người Chăm Bàni đón tiếp anh em bè bạn, đồng nghiệp, bà con gần xa đến chúc Tết rất chu đáo và niềm nở. Càng đông khách đến chúc Tết, bà con càng phấn khởi và coi đó là niềm tin vào một năm mới mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi, gia đình bình yên, khỏe mạnh, hạnh phúc, con cháu học giỏi và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
4. Tháng chay tịnh Ramưwan: hướng đến chân thiện mỹ
Sau những ngày lễ hội vui tươi, các làng Chăm Bàni bước vào tháng tịnh chay Ramưwan trang nghiêm. Lễ chay tịnh Ramưwan bắt đầu từ ngày 1 và kết thúc vào ngày 30 của tháng 9 Hồi lịch. Ngày kết thúc được tổ chức rất long trọng tại thánh đường.
Trong tháng Ramưwan, các vị chức sắc Bàni sinh hoạt tại thánh đường, chỉ được phép ăn uống khi mặt trời đã lặn. Các vị chức sắc đạo Bàni quan niệm, thực hiện tháng tịnh chay là làm cho thể xác, tinh thần trong sạch. Các vị chức sắc chế ngự những ham muốn tầm thường, vận động tín đồ hướng tới cuộc sống chân thiện mỹ.
Mỗi người Chăm Bàni đều dành thời gian đến thánh đường để tịnh tâm, tự suy ngẫm về những việc làm của mình trong một năm đã qua, tự đánh giá bản thân và xóa bỏ những tạp niệm để sống tốt hơn. Đồng thời, cầu mong tổ tiên độ trì cho một năm mới mọi chuyện được tốt lành.
Tháng Ramưwan của đồng bào Chăm Bàni là hoạt động tôn giáo mang đậm sắc thái tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương. Lễ hội Ramưwan là sản phẩm văn hóa và tinh thần được hun đúc từ truyền thống tín ngưỡng của cư dân người Chăm, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc. Các gia đình tộc họ đoàn kết giúp đỡ nhau làm ăn vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Hiện nay, lễ hội Ramưwan, nhất là lễ tảo mộ của người Chăm Bàni thu hút nhiều khách tham quan du lịch, nhà nghiên cứu đến tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng này. Hàng năm, lễ hội Ramưwan thường rơi vào khoảng thời gian giữa tháng 5 – đầu tháng 6 Dương Lịch. Một lần đến Ninh Thuận, đặt chân đến làng Chăm Bàni để khám phá một nét văn hóa bản địa rất riêng, rất độc đáo này nhé!