Ngày đăng: 03/03/2022

Ngày 2/3, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến “Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế… dự và đóng góp ý kiến, giải pháp nhằm giúp Ninh Thuận khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, để trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao theo mục tiêu đề ra.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cho biết, hội thảo lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn 10 năm tới và tầm nhìn chiến lược trong 20 năm, đến năm 2050. Để thực hiện mục tiêu, Ninh Thuận định hướng phát triển 5 cụm ngành quan trọng gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch đẳng cấp cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản với 3 khâu đột phá là: Nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cùng với 2 động lực phát triển là: Kinh tế biển; kinh tế đô thị và 1 hạt nhân phát triển là con người.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững, kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực; đưa quy mô nền kinh tế đến năm 2025 tăng 1,9 lần và đến năm 2030 tăng 3,65 lần so với năm 2020. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cùng với tầm nhìn chiến lược: “Ninh Thuận-Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền trung, phát biểu tham luận về các trụ cột và động lực tăng trưởng kinh tế tỉnh Ninh Thuận trong thời kỳ mới tại hội thảo.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền trung, tham luận về các trụ cột và động lực tăng trưởng kinh tế tỉnh Ninh Thuận trong thời kỳ mới cho biết: Nắng và gió đang trở thành nguồn tài nguyên vô giá cho sự phát triển năng lượng tái tạo và chính là lợi thế khác biệt của Ninh Thuận so với nhiều địa phương khác. Trong quy hoạch đưa Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch quốc gia, không chỉ là hướng đi đúng cho định hướng phát triển của tỉnh, mà còn phải là chiến lược năng lượng của quốc gia.

Điều kiện để biến tiềm năng trở thành hiện thực phải bao gồm 2 chính sách, đối với quốc gia phải có sự chuyển hướng chiến lược về năng lượng từ nhiệt điện sang năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, nâng cao tỷ trọng điện gió và điện mặt trời trong cơ cấu điện quốc gia. Lộ trình đoạn tuyệt với điện than cần được rút ngắn. Về chính sách, cần xem các điều kiện tự nhiên về nắng và gió ở một số địa bàn thuộc tỉnh Ninh Thuận là tài nguyên năng lượng tái tạo, nên cần công khai, minh bạch đấu thầu cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nhằm khuyến khích sự ứng dụng công nghệ mới và giảm giá thành sản phẩm. Với lợi thế của cảng biển Cà Ná, cần tập trung phát triển và mở rộng cảng biển và cả vùng nam Ninh Thuận, để nơi đây trở thành địa bàn trọng điểm về công nghiệp chế biến, chế tạo và xem như trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 10 năm tới”, Tiến sĩ Trần Du Lịch hiến kế.

Đề cập về những điểm mấu chốt định hình tầm nhìn quy hoạch phát triển, Phó GS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu 2 quan điểm: Ninh Thuận vẫn là tỉnh đi sau, công cuộc hiện đại hóa chỉ mới bắt đầu trong khi cơ hội bùng nổ-tiến vượt đang đặt ra, do đó quan điểm “Đột phá mạnh, tạo bứt phá-tiến vượt” sẽ giúp cách tiếp cận chiến lược sát hợp với các điều kiện và mang tính khả thi, tạo được động lực mạnh để giải quyết vấn đề phát triển trên một số tuyến ưu tiên. Đơn cử như đô thị hóa thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; phát triển cụm đô thị-cảng biển-công nghiệp; xây dựng chuỗi sản xuất nông sản đặc trưng.

Tuy nhiên, quy mô của Ninh Thuận còn nhỏ, không gian phát triển còn hạn chế, để có khả năng phát huy cao độ các lợi thế, thực hiện tiến vượt của tỉnh, cần chú trọng thực hiện quan điểm phát triển dựa vào liên kết quốc tế và hội tụ sức mạnh khu vực. Vấn đề này đòi hỏi Ninh Thuận không chỉ quan tâm đến hạ tầng giao thông kết nối trong nước, với các tỉnh lân cận mà cần ưu tiên phát triển hạ tầng số, kết hợp với việc nối đường bay quốc tế đến tọa độ “điểm đến quốc tế ưu tiên” của tỉnh trong mối liên kết phát triển với các tỉnh lân cận như: Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng cũng có rất nhiều lợi thế và khả năng bùng nổ phát triển hiện đại trong công cuộc hiện đại hóa.

Tại hội thảo, có 15 tham luận và nhiều ý kiến thảo luận thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp đối với phát triển của tỉnh Ninh Thuận, như: “Khung chiến lược tổ chức không gian và phân vùng chức năng trong quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030” của PGS.TS Trần Trọng Hanh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; “Một số phương hướng phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận trong thời kỳ mới” của TS Trần Văn Trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; “Một số định hướng và giải pháp phát triển du lịch bền vững tỉnh Ninh Thuận trong bối cảnh mới” của PGS. TS Phạm Trung Lương, Viện Môi trường và phát triển bền vững (VESDI); “Một số định hướng phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Thuận đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành kinh tế trong điểm trong thời gian tới” của PGS.TS Nguyễn Thị Nguyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... đã gợi mở nhiều vấn đề trọng tâm, giúp cho Ninh Thuận có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, thách thức, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả những giải pháp chiến lược trong tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, công khai, minh bạch, nâng cao năng lực quản trị của chính quyền tỉnh để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn coi Ninh Thuận là miền đất hội tụ những giá trị khác biệt và phát triển bền vững trong tương lai.

Kết thúc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã giúp cho tỉnh có nhiều nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Ninh Thuận tiếp thu những ý kiến đóng góp, sẽ tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực ngay sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt và tổ chức thực hiện nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh để biến những định hướng và mục tiêu đề ra trở thành hiện thực trong thời gian sớm nhất.

Theo nhandan.vn